Trong những năm gần đây, sự đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các công tác đo đạc bản đồ địa chính và nhiệm vụ hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu địa chính, phát triển nhân lực phục vụ cho quản lý đất đai là rất đáng kể. Một loạt các dự án của bộ Tài Nguyên và Môi Trường như: dự án ViLas cho các tỉnh trọng điểm, dự án thành lập bản đồ địa chính, hoàn thiện hồ sơ địa chính ở tất cả các tỉnh thành trong nước đã thu hút một lượng rất lớn kỹ thuật viên ngành Trắc địa bản đồ và Quản lý đất đai.
Thêm vào đó, chủ trương dịch vụ hóa một số công tác Trắc địa Bản đồ của Chính phủ đã là động lực cho một loạt các công ty, doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực đo đạc. Phòng Tài nguyên Môi trường của mỗi quận, huyện đều thành lập Văn phòng đăng ký đất đai để phục vụ công tác quản lý đất đai cũng như đáp ứng nhu cầu của người dân quyền được đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Các kỹ sư đi sâu vào chuyên ngành này phải được trang bị kiến thức về đo đạc địa chính và cả kiến thức về quản lý đất đai.
Mục tiêu
Sau khi tốt nghiệp
- Có kiến thức nền tảng vững chắc về trắc địa và bản đồ và kỹ năng sử dụng các thiết bị để thực hiện công tác đo đạc cơ bản.
- Có kiến thức đầy đủ và thực hiện được việc đo vẽ bản đồ địa chính, bản đồ địa hình.
- Có kỹ năng và phương pháp tư duy độc lập, phân tích, tổng hợp để giải quyết các vấn đề một cách sáng tạo.
- Có kỹ năng giao tiếp với đồng nghiệp về chuyên môn, kỹ năng làm việc nhóm.
- Có thể giao tiếp cơ bản và đọc tài liệu chuyên môn bằng tiếng Anh
- Nhận thức được và tôn trọng tiêu chuẩn đạo đức chuyên môn, trung thực, có trách nhiệm, cầu tiến trong công việc.
Ngoài ra, các kỹ sư Trắc địa - Bản đồ theo chuyên ngành KỸ THUẬT ĐỊA CHÍNH sẽ phải đạt các chuẩn cụ thể sau:
+ Có khả năng tham gia và tổ chức đo vẽ thành lập các bản đồ chuyên đề trong quản lý đất đai và hồ sơ địa chính.
+ Có kiến thức, kỹ năng trong xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu địa chính; có thể tham gia vào công tác quản lý tài nguyên đất đai.