Chương trình “Về nguồn” tại Chiến khu Rừng Sác
Hoạt động "Về nguồn": Hoạt động đầy ý nghĩa của tập thể đảng viên, cán bộ nhân viên và người lao động của Khoa Trắc địa, Bản đồ và Thông tin địa lý
Không khí mùa xuân vẫn tràn ngập đất trời, đất nước vẫn mỗi ngày chuyển mình lớn mạnh. Để có được mỗi ngày tươi đẹp hôm nay, không thể quên những ngày khốn cùng hôm qua. Để tưởng nhớ và tôn vinh công lao một thời của các anh hùng dân tộc đã hy sinh máu xương cho hòa bình hôm nay.
Thực hiện kế hoạch công tác năm 2024 của Chi bộ Trắc địa - Bản đồ, Khoa Trắc địa Bản đồ và Thông tin địa lý, Công đoàn Khoa và được sự đồng ý của Đảng ủy Nhà trường, Ban giám hiệu Trường, Chi bộ cùng Khoa và Công đoàn Khoa Trắc địa, Bản đồ và Thông tin địa lý đã tổ chức chương trình "Về nguồn" tại Chiến khu Rừng Sác - Cần Giờ nhân kỷ niệm 94 năm thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024), Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) vào ngày Rằm tháng Giêng (24/02/2024). Đoàn gồm PGS.TS Lê Hoàng Nghiêm - Phó hiệu trưởng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường đại diện Trưởng đoàn cùng cùng lãnh đạo Chi bộ, Khoa, Công đoàn bộ phận và toàn thể giảng viên và cán bộ nhân viên, người lao động của Khoa đã tới thăm Khu căn cứ Cách mạng Rừng Sác, nơi đây được công nhận là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia, Khu căn cứ này đã được nhiều người biết đến qua quá khứ hào hùng của Đội Đặc công Rừng Sác. Theo lời anh hướng dẫn viên khu di tích, Rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh) ngày ấy được xem là căn cứ nổi, sát nách Sài Gòn – Gia Định về hướng đông nam, nơi có con sông Lòng Tàu là “cổ họng” vận chuyển, tiếp tế hậu cần cho bộ máy chiến tranh khổng lồ với hàng triệu quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Ngày 15/4/1966, Bộ Chỉ huy Miền thành lập đặc khu rừng Sác với mật danh T10, sau đổi thành Đoàn 10 với nhiệm vụ án ngữ cửa biển, hướng dẫn Nhân dân và xây dựng cơ sở, nắm tình hình địch. Trung đoàn 10 - Bộ đội Đặc công rừng Sác, có nhiệm vụ thọc sâu áp sát, bám trụ bằng mọi giá chiếm giữ khu rừng Sác để tiến công liên tục vào kho tàng, bến cảng, cơ quan đầu não, sào huyệt bộ máy chiến tranh Mỹ - chính quyền Sài Gòn.
Đoàn công tác của Khoa Trắc địa, Bản đồ và Thông tin địa lý
Để bảo vệ sông Lòng Tàu, Mỹ tuyên bố "làm cỏ Rừng Sác" bằng “mưa bom bão đạn". Một trong những trận đánh tàu nổi tiếng là trận đánh tàu Victoria vào tháng 8/1966. Thời điểm này, Mỹ đưa tàu Victoria chở khoảng 100 xe tăng, thiết giáp; 2 máy bay trực thăng, 20 tấn lương thực thực phẩm…cung cấp cho một sư đoàn Mỹ, chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô lần thứ nhất 1966-1967. Dưới sông tàu địch tuần tiễu liên tục, trên trời máy bay quần thảo; trên bộ biệt kích phục dày đặc. Các chiến sĩ đặc công Rừng Sác phải ngâm mình dưới nước, chôn mình ngụy trang dưới bùn. Sau hơn một tháng chuẩn bị và lên kế hoạch, sáng 23/8, khi tàu Victoria đi qua, 2 quả thủy lôi đã làm nổ tung con tàu với trọng tải hơn 10 nghìn tấn cùng khí giới chìm nghỉm xuống lòng sông.
Đoàn công tác dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ chiến khu Rừng Sác
Chín năm chiến đấu (1966-1975), Đoàn 10 kiên cường bám trụ đứng vững trên thế trận phòng ngự và tạo thế chủ động tiến công, đánh sâu vào bến cảng, kho tàng hậu cứ địch theo mệnh lệnh của Bộ Chỉ huy Miền, xây dựng phong trào cách mạng địa phương, hướng dẫn nhân dân trong các ấp chiến lược đấu tranh với địch, xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng địch tạm chiếm, phát triển chiến tranh du kích phá thế kìm kẹp của địch, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân tộc.
Đoàn công tác tham quan và nghe hướng dẫn viên khu di tích giới thiệu về
Trung đoàn 10 - Bộ đội Đặc công rừng Sác
Qua hoạt động , Đoàn đã được ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc, từ đó cán bộ, đảng viên và người lao động của đơn vị thấm nhuần thêm tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng, ý chí tự lực, tự cường truyền thống của quân và dân ta. Và có thêm động lực, phát huy tinh thần đoàn kết, thi đua học tập rèn luyện, phấn đấu trong công tác với mục tiêu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chung của đơn vị và nhiệm vụ của mỗi cá nhân.
Một số hình ảnh của đoàn trong chuyến công tác “Về nguồn” tại huyện Cần Giờ.
Ban tuyên truyền tổng hợp.